Một mùa Hiến chương Nhà giáo nữa lại sắp về, sao lòng tôi đầy xúc động và chan chứa yêu thương đến thế! Thời gian như một cỗ máy vĩnh cửu cứ thế trôi đi không bao giờ trở lại. Thầy cô là người cảm nhận rõ nhất.
Năm tháng qua đi,
những thế hệ học trò lại lần lượt rời khỏi mái trường. Còn thầy cô vẫn ở lại
với những trang giáo án, những canh thâu không ngủ, những sớm hôm miệt mài trên
bục giảng... Và rồi một ngày nào đó, giữa bước chuyển nhịp của cuộc sống, chúng
ta bất chợt nhớ đến thầy cô, nhớ đến cái nôi đã đào tạo chúng ta trở thành
người có ích cho gia đình và xã hội. Công ơn đó to lớn biết bao, cao cả biết
nhường nào. Một
lời thôi làm sao tả hết công ơn to lớn như trời như biển
của thầy cô đối với bao thế hệ học trò. Khi nhắc đến Ngày
Nhà giáo Việt
Nam
là nhắc đến một ngày trọng đại và ý nghĩa. Là ngày để toàn nhân
loại hướng về các thầy cô - những
người lái đò âm thầm, lặng lẽ, những người ươm mầm xanh
cho đất nước. Đôn-ki-xtôi đã có câu nói nổi tiếng là “Dưới ánh hào quang
của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”.
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất
trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô
giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi,
cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời.”
Quả đúng vậy, không gì có thể sánh bằng công lao vất vả của những người thầy
giáo, cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Bao nhiêu lứa học sinh đi qua, mái
tóc thầy càng trở nên bạc trắng theo năm tháng, nhưng sự tâm huyết muốn đem đến
tri thức và những bài học quý giá cho các học trò thân yêu của mình mà thầy cô
đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để cống hiến, ở lại cắm bản để đưa con
chữ đến với những miền đất xa xôi hẻo lánh.
Thay cho lời muốn nói, tôi sẽ kể về cuộc hành trình đầy vất vả nhưng lại đầy ắp tiếng cười mà tôi
đã được may mắn trải qua cùng người đồng nghiệp yêu quý của tôi. Tháng 9 năm
2017, tôi nhận quyết định lên công tác tại trường PTDTBT TH&THCS Ngân Thủy,
đây là ngôi trường ở một xã miền núi của huyện Lệ Thủy, đa số học sinh là người
dân tộc Bru-Vân Kiều. Khi nhận công tác, tôi
được phân công giảng dạy lớp 1 ở điểm trường lẻ. Điểm trường lẻ chỉ có hai lớp
nên tôi sẽ đi cùng một chị đồng nghiệp. Lần đầu gặp chị, thật sự tôi rất lo sợ
vì chị là một giáo viên đầy kinh nghiệm, đã giảng dạy ở miền núi gần 15 năm. Còn tôi thì quá trẻ, một giáo
viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm gì trong công tác giảng dạy. Ngày đầu tiên bước vào lớp, ngày đầu tiên bắt đầu công việc ở
một vùng đất mới. Tôi vừa háo hức vừa lo lắng. Lo đủ thứ:
lo không biết mình có hoàn thành được công việc được giao, lo không biết mình có đủ sức khỏe để hàng ngày vượt hơn 30 cây số để đến trường...

Ngày đầu bước chân vào điểm trường là tôi đã chứng
kiến hình ảnh này. Vì là điểm trường lẻ nên cơ sở vật chất còn khó khăn,
không có bán trú vậy nên các em phải
chuẩn bị đồ ăn để ở lại buổi trưa. Thức ăn các em ăn chỉ là những con cá bắt ở
suối, những nhánh rau rừng hay là vài miếng măng rừng. Tôi đã khóc khi lần đầu
tiên nhìn thấy các em khó khăn như vậy, thương các em và thương luôn người đồng
nghiệp của tôi đã vất vả bao nhiêu năm trong thầm lặng. Với sức mạnh của tuổi
trẻ, với lòng nhiệt huyết đối với nghề tôi đã hứa với bản thân phải vượt qua
tất cả để đưa con chữ lên đây. Và may mắn hơn cả là tôi có một đồng nghiệp đáng
quý đã đồng hành cùng tôi trên con đường đó.
Hằng
ngày, hai chị em cùng nhau đến trường trong niềm hân hoan và hạnh phúc. Quãng
đường từ nhà đến điểm trường là khoảng 30km, mặc dù quãng đường vừa xa, vừa hiểm trở nhưng chưa một
lần tôi nghe chị than vãn về những năm tháng chị cống hiến ở đây. Trên khuôn
mặt hiền từ của chị lúc nào cũng có một nụ cười trìu mến, chị ân cần và gần gũi
với các em học sinh cũng như mọi người dân trong bản. Trong bản làng ai cũng
yêu quý chị. Nhắc đến cô H. là ai cũng biết vì chị đã cắm bản gần 15 năm. Có
lần chị kể với tôi: “Ban lãnh đạo nhà trường đã nhiều lần tạo điều kiện cho chị
về công tác tại điểm trường chính nhưng chị không muốn về. Chị muốn tiếp tục ở
lại đây để dạy các em, đi xa hơi vất vả nhưng chị cố gắng được.” Nghe xong, tôi
thấy thương và cảm phục chị vô cùng. Chị là một đồng nghiệp mà tôi đã thực sự
may mắn có được, là một nhà giáo đáng để được tôn vinh trong sự nghiệp trồng
người vì những năm tháng thanh xuân chị cống hiến ở núi rừng mà ít ai biết đến.
Có lẽ rằng, tình yêu nghề, yêu trẻ thơ cùng bao nhiêu tâm
huyết đã ngấm sâu vào trong con người
chị.

Con đường đến trường của chúng tôi thật đẹp làm
sao! Những buổi sớm mai, sương mù phủ khắp các lối đi nhưng chị em chúng tôi
lúc nào cũng vui vẻ, vừa đi vừa kể cho nhau nghe mọi chuyện về gia đình, về
tình yêu, về công việc... mọi muộn phiền của cuộc sống đều tan biến đi theo mây
mù của núi rừng. Nhớ nhất là những ngày mưa gió lũ lụt, trời rét căm căm chúng
tôi đã phải vượt khe vượt suối để đến được với điểm trường. Đó là những ngày
tháng đáng nhớ nhất trong hành trình cõng chữ lên núi của tôi.
Tôi vẫn còn nhớ như in ngày 20 tháng 11 năm đó, học sinh
ở miền xuôi với các loại hoa màu sắc rực rỡ hay quà tặng đặc
biệt để tri ân thầy cô thì học
sinh ở đây thể hiện tình cảm
giản dị, thân thương với thầy cô của mình bằng những món quà bình dị, bằng những tình cảm đơn sơ, mộc mạc,
thân thương. Học sinh mang đến trường những
bông hoa dại, nông sản gia đình làm được để tri ân thầy cô. Sáng sớm hôm ấy, bố mẹ dẫn các em đến trường trong
niềm hân hoan. Trên tay các em là những món quà đặc biệt để dành tặng cô giáo trong ngày lễ tri ân. Có em cầm
mấy củ sắn, em thì xách mấy búp măng, có em cầm nhánh phong lan rừng... tuy mộc
mạc và đơn sơ nhưng chứa đựng trong đó là cả một bầu trời thương yêu các em dành tặng cô giáo. Mặc dù không trang
trọng, không ồn ào nhộn nhịp nhưng đó là một tình cảm chân thành
và đầm ấm. Một thứ tình cảm mà ít ai thấu hiểu được.
Tôi công tác được một thời gian ngắn, vì hoàn cảnh
gia đình nên tôi đã phải về xuôi. Về xuôi để lại chị một mình trên đó lòng tôi
như thắt lại, cảm thấy mình thật có lỗi vì đã không đồng hành cùng chị trên
hành trình đầy xanh tươi đó. Nhưng dù có ở đâu thì lòng tôi vẫn luôn nhớ về
mảnh đất đó, nhớ về người đồng nghiệp kính yêu, nhớ các em học sinh thân
thương, nhớ những người dân chân chất mà mộc mạc.

Nhìn vào từng khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên của các
con mà thấy thương vô cùng. Các con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nghèo khó,
không được đầy đủ điều kiện như người ta bởi thế mà sinh ra các con thật kiên
cường và dũng cảm. Biết chịu khó để vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt của cuộc
sống. Hằng
ngày dạy các con học, nhìn các con ăn, nhìn các con ngủ... tôi
đã dần hiểu hết những thiệt thòi của các con và
điều đó thôi thúc tôi cố gắng từng ngày. Những
bữa cơm đạm bạc với măng với rau rừng, đôi lúc chỉ có cơm trắng. Mặc dù mình là
con em dân tộc thiểu số, mình thiệt thòi nhiều thứ, điều kiện kinh tế - xã hội
khó khăn nhưng các con hãy cố gắng học và rèn luyện thật nhiều để trở thành người
có ích cho xã hội. Tôi không mong điều gì to lớn, chỉ mong
các con luôn tươi cười như thế này, luôn khỏe mạnh để tiếp tục trên con đường
đi tìm cái chữ. Mong sao các con sẽ luôn ngoan và học thật tốt. Điều đó là điều
tuyệt vời nhất.
Tiết trời trở lạnh sang đông. Ngày 20 tháng 11 lại đến, kính
chúc người đồng nghiệp kính yêu của tôi cũng như quý thầy cô giáo dồi
dào sức khoẻ để tiếp tục dìu dắt, dẫn bước các thế hệ học trò trên bước đường
trở thành con người có ích cho xã hội, những mầm non của đất nước.
Tác
giả: Trần Thị Thu Trang
(Trường Tiểu học Lệ Ninh)