Chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng có một nơi được gọi là “ ngôi nhà thứ hai” và có một “ khoảng lặng” để nhớ về nơi đó – nơi mà những người cha, người mẹ không cùng một dòng máu hay bất cứ mối quan hệ nào nhưng họ đã hi sinh rất nhiều cho những đứa con của mình.
Hôm ấy là một ngày đầu tháng 11, theo
cơn gió thu nhè nhẹ mơn man trên những cánh hoa ban tím mang theo cái se lạnh
của tiết trời cuối thu đầu đông, tôi đã một lần nữa được đặt chân về nơi ấy –
ngôi nhà thứ hai của tôi, nơi mà tôi đã gửi gắm và chất chứa biết bao kỉ niệm
của tuổi học trò: ngây thơ, vô tư, nhút nhát, mơ mộng và cả sự tinh nghịch,
quậy phá…
Trường Tiểu học Thị trấn Lệ Ninh – nơi ươm
mầm ước mơ tôi
Cổng trường tiểu học Thị trấn Lệ Ninh mở
ra trước mắt, một luồng cảm xúc khó tả tuôn trào trong lòng tôi, cái cảm giác vừa
thân quen vừa lạ lẫm như cái ngày đầu tiên tôi bước chân vào lớp 1. Đâu đó hình
bóng người thầy mỉm cười hiền từ dắt tay tôi bước vào lớp. Trước mắt tôi đã
nhòa đi…Tôi nhớ thầy – người cha già đáng kính của tôi!
Ngày ấy, khi tôi còn nước mắt nhạt nhòa,
đứng khép nép bên chân mẹ không muốn rời, cái cảm giác lo sợ, bỡ ngỡ của một
đứa trẻ vừa bước chân vào môi trường học tập mới ngập tràn trong tôi thì thầy
bước đến, thầy không nói gì, chỉ nở một nụ cười hiền từ và dành cho tôi một ánh
mắt trìu mến. Thầy nắm tay tôi, dắt tôi vào lớp. Chính cái hơi ấm từ bàn tay ấy
và ánh nhìn trìu mến mà thầy dành cho tôi, đã tiếp thêm cho tôi niềm tin, dũng cảm để bước chân vào “ngôi nhà
thứ hai” của mình. Đâu đây bóng hình thầy ân cần, tận tụy dạy cho tôi những nét
chữ đầu tiên để rồi sau này, khi tôi lớn hơn một chút, tôi mới hiểu được sự ân
cần của thầy khi cầm tay tôi uốn từng nét chữ . Đó không chỉ đơn thuần là dạy
tôi biết viết mà nết người của tôi cũng bắt đầu từ những nét chữ a, b, c ấy. Có
mấy ai có thể ngồi hàng giờ để hướng dẫn một đứa trẻ đọc tròn câu chữ, kiên trì
dạy chúng viết những con chữ đầu đời. Có mấy ai có thể thức trắng đêm để hoàn
thành giáo án cho buổi dạy ngày hôm sau. Thử hỏi trên đời này, có mấy ai có thể
làm những điều cao cả đó nếu không có tình yêu nghề tha thiết ?
Hình
ảnh thầy ân cần, tận tụy dạy cho tôi không chỉ
về kiến thức mà cả về những kĩ năng sống cần thiết không biết tự bao giờ đã trở
thành một dấu ấn khó phai trong ký ức của tôi ! Thầy chính là người đã truyền
cho tôi tình yêu, ước mơ cháy bỏng để trở thành một giáo viên tương lai. Bánh
xe thời gian cứ lặng lẽ quay, tôi dần trưởng thành sau mỗi bài học, sau những
buổi đứng lớp của các thầy cô giáo.
“Cha
mẹ cho ta hình hài, thầy cô cho ta trí thức”.
Nếu
cha mẹ là những người cất công sinh ra ta, nuôi ta lớn thì thầy cô - “ người
lái đò” thầm lặng, luôn cống hiến hết sức mình để đưa ta cập bến đò tri thức. Có
ai qua sông mà không phải nhờ đò, có ai lớn lên mà không qua những lời giảng
của thầy cô. Cuộc sống có muôn vàn biến đổi nhưng không thể làm phai mờ đi tình
cảm của những người thầy, người cô dành cho các cô cậu học trò của mình. Tình
cảm ấy thiêng liêng, cao quý biết nhường nào. Chính tình thương yêu ấy đã sưởi
ấm tâm hồn, ấp ủ những ước mơ, hoài bão của biết bao thế hệ học trò trong quãng
đời học sinh. Chính thầy cô là những người đi thu nhặt những mảnh ghép cuộc
đời, thắp lên ánh sáng, niềm hi vọng ấm áp. Thầy cô là những người cha, người
mẹ thứ hai đáng kính của những cô cậu học trò. Công lao của thầy cô to lớn biết nhường nào. Có lẽ cả cuộc đời
này, chúng ta cũng không thể nào đền đáp hết được.
"Có một
nghề bụi phấn bám vào tay
Người ta bảo
là nghề trong sạch nhất
Có một nghề
không trồng cây vào đất
Lại nở cho đời
những đoá hoa thơm"
Có người đã từng nói: Thầy cô giáo là những người truyền cảm hứng,
họ biết rằng việc giảng dạy cũng giống như làm vườn, và sẽ không thể hái được
những bông hoa nếu không chạm vào gai. Vâng ! Chính thầy cô là những người
dẫn dắt chúng ta đi trên con đường riêng của mình, chắp cho chúng ta đôi cánh
vươn đến ước mơ, hoài bão. Cứ mỗi chuyến đò cập bến, chúng ta lại nhìn thấy
trên gương mặt thầy cô lại lấm tấm những nếp nhăn của năm tháng. Dành cả đời
tâm quyết với nghề, không ngại gian khó khi đêm đêm lặng thầm, miệt mài bên từng
trang giáo án để truyền
cho chúng ta những bài học hay và bổ ích. Thầy cô là người luôn đưa ra những thử
thách để chúng ta trải nghiệm chính cuộc đời của mình, là những người đã không quên nhọc nhằn
giúp xây dựng một thế giới huy hoàng, một tương lai tươi sáng bằng con đường
tri thức.
Ơn dạy dỗ cao dường hơn núi
Nghĩa thầy cô như nước biển khơi
Công cha mẹ nuôi con tạc dạ
Ơn thầy cô con mãi ghi lòng.
Suy cho cùng, thì sự hy sinh của mỗi
thầy cô giống như một quy luật tự nhiên, họ vẫn cứ luôn tận tụy, dãi dầu cho đi
mà không cần nhận lại một điều gì. Từng đoàn người cứ thế sang sông nhưng những
người lái đò thì vẫn đứng đó thầm lặng dõi theo. Mặc cho cuộc sống có bôn ba,
chông gai đến mấy thầy cô vẫn mỉm cười khi thấy các em ngày một trưởng thành
hơn. Ơn này sao đền đáp hết khi bụi phấn đã làm tóc thầy phai bạc.
Cho đến bây giờ và mai sau, mai sau nữa,
dù cuộc sống có biết bao biến đổi, tôi cũng sẽ không bao giờ quên được công ơn
sâu nặng ,tình cảm thiêng liêng, cao cả của thầy cô dành cho tôi và các thế hệ
học sinh của mình - những đứa con mà họ coi như máu thịt, như một phần không
thể thiếu trong cuộc đời của họ. Nhà giáo dục nổi tiếng người Séc Comenxki đã
từng nói: “ Dưới ánh mặt trời không có
nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Thầy cô mãi mãi là những con người cao
quý nhất, vĩ đại nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta.
Thầy cô – những người lái đò thầm lặng
Dòng đời vẫn cứ trôi, những chiếc đò
hằng năm vẫn cần mẫn chở khách sang sông, nhưng có lẽ… chẳng mấy ai đã từng
ngồi trên chuyến đò thầy cô chở, lại không quay trở lại với hai chữ “ biết ơn’.
Thời gian ơi xin
dừng lại đừng trôi
Cho chúng con khoanh tay
cúi đầu lần nữa
Gọi tiếng thầy với
tất cả tin yêu…
Tri ân người lái đò thầm
lặng
Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11! Xin tri ân thầy cô, ân tình sâu nặng của những
người lái đò tâm huyết!